Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Hoạt động học sinh

Trang chủ Hoạt động học sinh ĐẨY MẠNH VÀ PHÁT HUY TÍNH SÁNG TẠO CỦA THANH NIÊN TRONG LĨNH VỰC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

ĐẨY MẠNH VÀ PHÁT HUY TÍNH SÁNG TẠO CỦA THANH NIÊN TRONG LĨNH VỰC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

13/11/2014

Trong những năm gần đây, bên cạnh các kì thi tôn vinh những nhà khoa học trẻ dành cho sinh viên thì nước ta cũng như quốc tế đã, đang rất chú trọng đến việc tổ chức các kì thi dành cho học sinh trung học nhằm khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học. Có thể nói, nghiên cứu khoa học đã trở thành một công việc thường niên không thể thiếu trong mọi lĩnh vực. Là học sinh của một trường chuyên, chúng ta đã được làm quen, rèn luyện kĩ năng nghiên cứu khoa học thông qua những bài tập chuyên đề các thầy cô giáo hướng dẫn trên lớp. Đó là một điều thật may mắn! Song, khi bước vào các kì thi lớn như cuộc thi Sáng tạo khoa học – kĩ thuật do Bộ giáo dục tổ chức hay kì thi sáng tạo trẻ do Sở Khoa học tổ chức, chúng ta vẫn còn thiều tự tin, e dè trong việc đưa ra những sáng kiến. Một phần nguyên nhân đó chính là chúng ta chưa biết cách phát huy được tính sáng tạo của bản thân.

Tại sao chúng ta phải sáng tạo?

- Trước hết, bản thân cuộc sống luôn vận động, nó đòi hỏi con người chiếm lĩnh các giá trị và không ngừng tạo ra những giá trị mới. Là con người, anh biết hưởng thụ mọi thành quả của nhân loại nhưng bản thân mình lại không góp phần sáng tạo thì thật là tầm thường.

- Sáng tạo là một phẩm chất tư duy vốn có trong mỗi con người, có thể từ những điều rất đơn giản trong cuộc sống như các bạn gái tìm cho mình một cách phối hợp mẫu thời trang mới, các bạn nam kiếm cho mình một lối chơi bóng đẹp mắt hơn cho đến việc nghiên cứu và phát minh ra một loại máy móc mới,…

- Hơn thế nữa, sáng tạo còn là một nguồn vui vô tận của con người, ai đó đã từng thử cái cảm giác được hét lên rằng: “Ơ rê ca! Ơ rê ca” thì quả thực là rất thú vị!

Tuy nhiên, trong cuộc sống, khi quăng mình vào guồng quay của công việc, của những thứ luôn lặp đi lặp lại, ta vô tình lãng quên đi sự sáng tạo trong chính mình, có những ổ khóa dẫn dắt chúng ta theo những lối mòn, trong những khuôn mẫu.

Vậy làm thế nào để phát huy tính sáng tạo?

Có lẽ chiếc chìa khóa quan trọng để trở nên sáng tạo nằm ở việc chúng ta tạo lập cho mình thói quen sáng tạo trong cuộc sống hằng ngày. Trước hết, hãy kích thích sự hiếu kì trong bạn. Từ nhỏ, chúng ta đã được khuyên “Tò mò là không tốt”. Tuy nhiên, tò mò là một bài tập hữu ích giúp chúng ta khám phá những điều mới lạ. Đó là quá trình chúng ta đi vào cuộc phiêu lưu để tìm ra lời giải đáp bằng trực giác. Tò mò là một cách thú vị để chúng ta tìm kiếm nguồn cảm hứng mới, khơi lên những ý tưởng sáng tạo. Nếu bạn bắt gặp một vài ý tưởng khơi dậy sự hiếu kỳ, thay vì gạt nó qua một bên, bạn hãy dành thời gian để khám phá. Hãy cho bạn cơ hội để xem ý tưởng dẫn bạn đến đâu. Ngay cả khi cái ý nghĩ ấy có vẻ hơi ngớ ngẩn như việc bạn băn khoăn rằng: nếu đặt một bông hoa lan vào tủ lạnh và một ngày sau, nó bắt đầu có mùi xúc xích Đức Việt thì liệu xúc xích Đức Việt có mùi như hoa lan không? Đừng ngần ngại đặt ra những câu hỏi “nếu… thì sao?” và tìm cách tự trả lời chúng. Theo bạn thì con mèo và cái tủ lạnh giống hay khác nhau? Tôi xin đưa ra câu trả lời vào phần sau! Bản thân những câu hỏi nếu thì có thể không thực tế nhưng đó sẽ là “viên đá đặt chân”, kích thích, khuyến khích chúng ta suy nghĩ ý tưởng mới.

Thứ hai, tăng cường khả năng quan sát thực tế: Bạn nghĩ gì khi quan sát thảm có vừa được cắt tỉa, nó thật đẹp, gọn gàng và tươi mát? Có khi nào bạn nghĩ người ta sử dụng đoạn cỏ bị xén như thế nào? Tại cuộc thi Khoa học – kĩ thuật cấp quốc gia được tổ chức tại Vĩnh Phúc, một học sinh trung học của tỉnh Thái Bình đã xuất sắc đạt được giải Nhất toàn cuộc với phát minh chiếc máy bắt ngao tự động. Để làm nên thành công này, ắt hẳn bạn học sinh đó đã phải quan sát rất nhiều từ thực tế, quan sát quá trình bắt ngao thủ công thường dùng để có thể tìm ra những mặt thuận lợi, hạn chế của phương pháp này.

Khi đã có hiểu biết về thực tế thì cũng đừng quên thêm vào đó những liên tưởng, tưởng tượng. Quá trình sáng tạo bao gồm 2 pha: pha thực tế (làm được điều gì đó) và pha tưởng tượng (nghĩ ra một điêu gì đó khác biệt). Khi con người muốn làm cái máy có thể đi, anh ta tạo ra bánh xe, chẳng có gì giống như một cái chân. Và như vậy, anh ta đã theo chủ nghĩa siêu thực mà không biết điều đó.

Và cuối cùng, để phát huy được tính sáng tạo của bản thân, bạn hãy loại bỏ suy nghĩ đó không phải là lĩnh vực của tôi. Nếu bạn cứ giữ mãi cái ý nghĩ “điều đó không phải lĩnh vực của tôi” thì như thế bạn sẽ bị giam trong cái giới hạn của chính mình.

Như vậy, bạn đã có trong tay mình các phương pháp để phát huy tính sáng tạo của cá nhân, và đến đây, công việc nghiên cứu khoa học dường như đã không còn quá khó khăn với bạn. Khi đã xác định được vấn đề mình muốn nghiên cứu, tìm hiểu, bạn chỉ cần đào sâu suy nghĩ của mình, đầu tư thời gian để tìm tòi, khám phá mọi khía cạnh của vấn đề. Cách tốt nhất để có một ý tưởng hay là tìm ra thật nhiều ý tưởng, hãy tìm nhiều câu trả lời khác nhau cho câu hỏi của bạn. Con thỏ muốn sống phải bảy lần lột xác, thế thì tại sao mới một lần suy nghĩ chệch hướng ta đã cho phép mình từ bỏ? Cuối cùng thì đằng sau vô số những điểm khác nhau thì con mèo và cái tủ lạnh vẫn có những điểm giống nhau: đó là chúng đều có thể giữ cá, thích quanh quẩn trong bếp,đều phát ra âm thanh đều đều và đặc biệt tuổi thọ đều khoảng 15 năm!

Nguyễn Thị Kim Thoa – 12 chuyên Văn