Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Văn hóa - Xã hội

Trang chủ Văn hóa - Xã hội Môi trường tự nhiên và sự phát triển bền vững của tỉnh Nam Định

Môi trường tự nhiên và sự phát triển bền vững của tỉnh Nam Định

02/10/2009

Sức lao động của tự nhiên bắt nguồn từ động lực phát sinh và phát triển của các hệ địa sinh thái các cấp mà toàn tỉnh Nam Định được coi như là bộ phận đông nam của châu thổ sông Hồng, sau đến các vùng, các cảnh quan và các dạng địa lý trong tỉnh

 

Phát triển bền vững là phát triển kinh tế và xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhưng không làm tổn hại ô nhiễm môi trường, cơ sở vật chất cho hôm nay và cho mai sau của sự phát triển. Hiện nay, các thiệt hại do môi trường suy thoái và tài nguyên giảm hoặc cạn kiệt đã lộ rõ, khiến cho sự phát triển bền vững đã được mọi người quan tâm.

Sức lao động của tự nhiên bắt nguồn từ động lực phát sinh và phát triển của các hệ địa – sinh thái các cấp mà toàn tỉnh Nam Định được coi như là bộ phận đông nam của châu thổ sông Hồng, sau đến các vùng, các cảnh quan và các dạng địa lý trong tỉnh. Tỉnh Nam Định là một trong ba đỉnh của tam giác châu, cũng là tam giác phát triển của đồng bằng sông Hồng, một vùng đông dân và trù phú nhất ở miền Bắc Việt Nam. Vị trí đông nam châu thổ sông Hồng nói lên tầm quan trọng của Nam Định trong dòng trao đổi giữa nội địa và duyên hải Bắc Trung Bộ, vì Bắc Trung Bộ có quan hệ với Bắc Bộ cả về tự nhiên và kinh tế - xã hội chặt chẽ hơn là vơi Nam Trung Bộ nói riêng và miền Nam Việt Nam nói chung. Tỉnh Nam Định cần khai thác tốt vị trí thuận lợi này đã công nhận từ xa xưa, khi thành phố Nam Định là điểm sầm uất thứ ba trong ba đỉnh của châu thổ, đứng sau Hải Phòng do chức năng cảng xuất nhập khẩu của thành phố ven biển và sau Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa toàn châu thổ sông Hồng và toàn quốc. Nếu Nam Định không phát triển mạnh vùng duyên hải, rõ ràng là làm giảm yếu dòng nội địa – duyên hải. Còn nếu đường quốc lộ 10 không được phát huy thì dòng duyên hải Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ bị tê liệt. Cuối cùng các huyết mạch giao thông giữa Hà Nôi – Hải Phòng – Nam Định – Ninh Bình là cơ sở để phát triển tổng hợp các dòng nội địa và duyên hải.

Rừng ngập mặn và vùng RAMSAR Xuân Thuỷ là nguồn tài nguyên quý giá, có ý nghĩa bảo vệ và nuôi dưỡng hải sản, đồng thời là điểm du lịch sinh thái có giá trị. Điều kiện nhiệt - ẩm cho việc khai thác nông nghiệp là dồi dào, số giờ nắng, tổng nhiệt độ cân bằng nước dương cho phép thâm canh, tăng vụ, có thể làm hai vụ lúa và 3 – 4 vụ rau màu. Như vậy, không những Nam Định đã đảm bảo được an toàn lương thực và nông hải sản cho toàn dân trong tỉnh, mà còn dư thừa để chế biến bán ra trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Cơ cấu mùa vụ và cây trồng có thể linh hoạt thay đổi để đáp ứng kinh tế thị trường trong nước và xuất khẩu. Để phát triển bền vững và lâu dài, điều đầu tiên là phải đảm bảo sự ổn định của các hệ địa sinh thái, nhất là các hệ kém ổn định như cảnh quan bãi bồi ngoài đê sông, cảnh quan bãi bồi thấp úng trong đê sông, cảnh quan châu thổ hiện tại trong đê biển, cảnh quan bờ biển hiện tại ngoài đê biển. Ngoài ra cần trồng rừng ngập mặn và rừng trên các đồi sót, đầu tư cải tiến các điều kiện tự nhiên không thuận lợi như bão, lụt, hạn, úng, biển lấn gây ra.

Xét về mặt công nghiệp trên giác độ tự nhiên thì Nam Định có điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành vật liệu xây dựng, nội thất, gốm sứ, tơ lụa, bông sợi, may mặc, ngoài ngành chế biến nông – hải sản đã nói ở trên. Trên giác độ kinh tế - xã hội, Nam Định có nguồn lao động dồi dào, có truyền thống văn hóa, nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ cổ truyền, nên cần phải xây dựng nền công nghiệp toàn diện dựa vào nguồn nguyên liệu nhập. Các ngành như cơ khí chính xác, điện tử, hóa chất có thể phát huy cơ sở lao động – văn hóa vốn có của tỉnh và vị trí duyên hải là một lợi thế. Có thể biến vùng bờ biển mài mòn thành một lợi thế để phát triển cảng ở cửa Hà Lạn, ít ra là một cảng cá để đánh bắt hải sản xa bờ trên đại dương.

Sự phát huy thế mạnh của tự nhiên và hạn chế mặt hại của nó cũng không tách rời hoàn cảnh kinh tế - xã hội – nhân văn, đó là hai mặt thống nhất của hệ thống tự nhiên – con người, nhất là trong hoàn cảnh của tỉnh hầu như không còn cảnh quan tự nhiên do con người đã khai thác lãnh thổ từ lâu đời. Phải giáo dục cho mọi người gắn bó với tự nhiên, yêu mến và bảo vệ tự nhiên để xây dựng cảnh quan văn hóa giàu đẹp. Để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần phải xây dựng tốt mạng lưới đô thị, lấy thành phố Nam Định làm trung tâm phát triển, giữ vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh, bao gồm cả đô thị lẫn nông thôn./.

 

 

 

 

 

(Nguồn Địa chí Nam Định)